Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số được bảo chứng bởi một một loại tiền tệ có tính ổn định khác như đô la Mỹ hoặc vàng. Chúng được coi là cầu nối giữa tiền điện tử và tiền fiat và được ra đời nhằm mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của biến động giá.

Sự kết hợp giữa tính ổn định của tài sản truyền thống và tính linh hoạt trong tài sản kỹ thuật số của stablecoin đã và đang chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ của mình. Stablecoin đã trở thành một trong những loại tiền phổ biến nhất trong hệ sinh thái tiền điện tử, với mức định giá lên tới hàng tỷ USD.

Tại sao stablecoin quan trọng đến vậy?

Sở dĩ stablecoin được ưu chuộng vì giá của chúng ổn định không lên xuống thất thường như các loại tiền điện tử khác và phù hợp để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. 

Ví dụ, đồng stablecoin USDC được bảo chứng hoàn toàn bởi đồng đô la Mỹ, do đó có thể được giao dịch ngang giá với tỷ lệ 1:1 thông qua các nền tảng như Coinbase và Circle.

Tuy stablecoin không biến động mạnh, chúng vẫn kế thừa một số đặc tính cơ bản nhất của tiền điện tử như:

  • Mang tính toàn cầu, phân tán, không phụ thuộc vào bất kỳ ngân hàng trung ương nào
  • Giao dịch nhanh, rẻ, an toàn và riêng tư
  • Ở dạng kỹ thuật số và có thể lập trình được

Stablecoin có tác dụng gì?

Hạn chế sự biến động

Giá của các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum luôn biến động dữ dội theo từng phút, còn stablecoin được cố định vào một loại tài sản ổn định nên giá sẽ luôn ổn định, không lo mất giá hay bất thình lình “bốc hơi”.

Dễ dàng giao dịch 

Anh em không cần phải có tài khoản ngân hàng để hold stablecoin và có thể dễ dàng gửi chúng đến khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở những đất nước có tỷ lệ lạm phát cao.

Gửi tiết kiệm để nhận lãi

Anh em có thể kiếm lời khi đầu tư vào stablecoin bởi lãi suất của chúng cao hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống. Cụ thể, khi anh em cho vay stablecoin, anh em có thể nhận lãi từ người mượn, hoặc nếu mang stablecoin đi stake, anh em cũng sẽ có cơ hội nhận được nhiều phần thưởng hấp dẫn, tùy thuộc vào từng dự án.

Phí chuyển tiền thấp

Chuyển tiền xuyên biên giới với chi phí thấp. Hiện nay chi phí chuyển tiền đang là 7% giá trị nhưng với stable coin, chi phí gần như bằng 0%.

Stablecoin hoạt động như thế nào?

Stablecoin được hỗ trợ bởi nhiều nguồn, từ fiat, tiền điện tử, kim loại quý đến các chức năng thuật toán, nhưng cần nhấn mạnh những thứ đứng sau “nâng đỡ” stablecoin có thể ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của chúng.

Ví dụ: một stablecoin được bảo chứng bởi fiat sẽ ổn định hơn vì nó được liên kết với một hệ thống tài chính tập trung, có cơ quan thẩm quyền (ngân hàng trung ương) tham gia và kiểm soát giá cả khi chúng lên xuống thất thường. Còn stablecoin “neo” vào Bitcoin sẽ biến động mạnh hơn một phần do không có cơ quan quản lý nào điều tiết được do bản chất phi tập trung của tiền điện tử.

Phân loại stablecoin

Fiat-collateralized stablecoin

Stablecoin được bảo chứng bởi tiền fiat là loại hình phổ biến nhất hiện nay. VD: USDT, USDC, v.v.

Các stablecoin có tài sản dự trữ tương đương lượng stablecoin phát hành và được hỗ trợ theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là 1 stablecoin tương đương với 1 đơn vị tiền tệ. Vì vậy, trên lý thuyết, cứ mỗi stablecoin tồn tại, sẽ có một loại tiền tệ fiat thực được lưu trữ trong cơ quan tài chính để đảm bảo chứng thực việc quy đổi giá trị.

Khi anh em muốn đổi stablecoin lấy tiền mặt, bộ máy quản lý phía stablecoin sẽ rút tiền fiat từ quỹ và chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của anh em. Các stablecoin tương đương sau đó sẽ bị đốt hoặc xóa vĩnh viễn khỏi lưu thông.

Miễn là nền kinh tế của đất nước mà stablecoin “neo” vào luôn ở mức tương đối ổn định, thì giá trị của một stablecoin cũng sẽ không biến động nhiều.

Crypto-collateralized stablecoin

Hay còn được gọi là over-collateralized stablecoin. Đây là dạng stablecoin có tài sản dự trữ lớn hơn giá trị phát hành. Do được hỗ trợ bởi nhiều loại tiền điện tử, nhờ vậy mà các stablecoin này sở hữu tính phi tập trung hơn so với fiat-collateralized stablecoin vì mọi thứ đều được tự động hóa nhờ công nghệ blockchain. 

Để giảm rủi ro biến động giá, các stablecoin này thường được thế chấp vượt mức để đảm bảo giá trị.

Ví dụ: để nhận được 500 stablecoin, anh em sẽ phải gửi 1.000 Ether (ETH).

Nguồn: Crypviz

Và nếu giá của tiền điện tử thế chấp giảm xuống đủ thấp, các stablecoin sẽ tự động bị thanh lý. Ngoài ra, một stablecoin cũng thường “neo” vào nhiều loại tiền điện tử khác để phân tán rủi ro.

Đây là một dạng stablecoin tương đối phức tạp, khá có khả năng mở rộng quy mô và không đạt được nhiều sức hút như các phương pháp tiếp cận khác.

Commodity-collateralized stablecoin

Các stablecoin được thế chấp bằng hàng hóa được hỗ trợ bởi các loại tài sản có thể hoán đổi như vàng, dầu mỏ, bất động sản và các kim loại quý khác.

Ví dụ: Digix Gold (DGX) là một mã thông báo ERC-20 xây dựng trên mạng Ethereum, được hỗ trợ bởi vàng. Trong đó, 1 DGX đại diện cho 1 gam vàng. Số vàng này được cất giữ trong một kho bạc tại Singapore và được kiểm định 3 tháng một lần.

Non-collateralized stablecoin

Hay còn gọi là Algorithmic stablecoin. Đây là loại stablecoin có sự ổn định dựa trên cơ chế co giãn cung cầu. Chúng đặc biệt ở chỗ không được bảo chứng bởi bất kỳ tài sản nào mà sẽ sử dụng thuật toán máy tính để giữ cho giá không dao động quá nhiều. Nếu giá của một stablecoin thuật toán được chốt ở mức 1 USD, nhưng stablecoin lại lên giá, thì thuật toán sẽ tự động bơm thêm coin vào nguồn cung để giá trị quay đầu. Còn nếu giá giảm xuống dưới 1 USD, nó sẽ cắt nguồn cung để đưa giá tăng trở lại. Đáng nói, đã từng có rất nhiều Algorithmic stablecoin bị trượt giá, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, với việc các đồng stablecoin như UST, FRAX đã duy trì được sự ổn định, đồng thời ngày một trở nên phổ biến hơn (tổng cung tăng nhiều lần), rất nhiều người tin rằng Algorithmic stablecoin có thể thay thế được các stablecoin truyền thống.

Top stablecoin nổi bật trong năm 2022

1. Tether Stablecoin – USDT

Đây là một trong những stablecoin được sử dụng nhiều nhất trong thị trường tiền điện tử trong vài năm trở lại đây. Tether “neo” vào giá của USD theo tỷ suất 1:1, nghĩa là giá trị của Tether tương tự với giá trị của USD. Tether (USDT) được xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Coin trên Coinmarketcap tính đến ngày 16/3/2021 với vốn hóa thị trường lên tới 80,117,548,763 USD

Nguồn: Coinmarketcap

Ưu điểm

  • Tiện lợi, dễ dàng thiết lập và hỗ trợ đầy đủ cơ sở hạ tầng cho người tham gia.
  • Tính thanh khoản cao

Nhược điểm

  • Nhà phát hành Tether không kiểm toán công khai, thiếu tính minh bạch.
  • Các sàn tính phí rút tiền khá cao. Ví dụ như Remitano là 10 USDT, Houbi là 5 USDT cho mỗi lần rút.

2. Circle Stablecoin – USDC

USDC (US Dollar Coin) là một stablecoin được bảo chứng bởi đồng đô la Mỹ theo tỷ lệ 1:1. Nó là sự kết hợp của Circle - công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thanh toán P2P và sàn giao dịch Coinbase.

Nhà phát hành của USDC cam kết sẽ minh bạch về tài chính và mọi hoạt động để đổi lấy niềm tin của người dùng. Hai công ty hiện đang quản lý USDC là Circle và Coinbase, đã được đăng ký và cấp phép là doanh nghiệp dịch vụ tiền tệ (MSB) với cơ quan quản lý tài chính FinCen của Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là sổ sách tài chính của họ phải chịu sự kiểm tra thường xuyên của các bên thứ ba có uy tín.

Hiện tại, USDC là stablecoin lớn thứ năm trong thị trường tiền điện tử với giá trị vốn hóa là 52,280,250,980 USD.

Ưu điểm

  • Người dùng có thể chuyển đổi USD sang USDC miễn phí trên Circle. Phí quy đổi USDC sang USD cũng được miễn phí với các ngân hàng đối tác của công ty này.
  • Giao dịch với USDC dễ dàng, nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với giao dịch tiền fiat truyền thống.

Nhược điểm

  • USDC là một stablecoin tập trung. Điều đó có nghĩa là nhà phát hành của USDC có toàn quyền kiểm soát và có thể nhanh chóng chấm dứt tài khoản cũng như thực thi các quyết định liên quan đến nó mà không cần hỏi ý kiến ​​người dùng.
  • USDC không có sẵn trên tất cả các sàn và ít cặp giao dịch hơn USDT.
  • Circle chỉ hỗ trợ chuyển đổi fiat thành USDC và ngược lại trực tiếp cho công dân Mỹ. Nghĩa là nếu bạn không phải là công dân Mỹ thì bạn chỉ có thể chuyển đổi trên các sàn giao dịch.

3. Binance Stablecoin – BUSD

Nguồn: Binance Academy

Binance USD là sự kết hợp độc đáo giữa Binance và USD. Đây là một stablecoin thuộc sàn giao dịch hàng đầu thế giới hiện nay là Binance và được neo giá theo tỷ lệ 1:1 đối với đồng đô la Mỹ. Coin này được Bộ Dịch vụ Tài chính Bang New York (NYDFS) chấp nhận thông qua. BUSD có tiêu chuẩn ERC-20 của nền tảng Ethereum cũng như tiêu chuẩn BEP-2 của Binance Chain.

Hiện tại, BUSD là stablecoin lớn thứ 12 trong thị trường tiền điện tử với giá trị vốn hóa là 17,908,073,543 USD.

Ưu điểm

  • Tích luỹ lợi nhuận mà không cần chuyển đổi sang tiền pháp định
  • Kinh doanh chênh lệch giá

4. Terra Stablecoin – UST

Nguồn: Binance Academy

TerraUSD (UST) là đồng stablecoin thuật toán của Terra, với giá trị luôn được giữ ở mức 1 USD nhưng thay vì bảo chứng bằng đô la Mỹ, giá trị của UST lại được đảm bảo bằng các loại tiền điện tử khác. Để mint được 1 UST, người dùng cần phải đốt lượng LUNA tương đương.

Hiện tại, UST là stablecoin lớn thứ 14 trong thị trường tiền điện tử với giá trị vốn hóa là 14,946,371,963 USD.

5. Dai stablecoin - DAI

Nguồn: Skyweaverleagues

Dai (DAI) là tiền điện tử phi tập trung đầu tiên được hỗ trợ bằng tài sản thế chấp và là mã thông báo ERC-20 duy trì mức giá ổn định ở tỷ lệ 1:1 với USD. DAI là stablecoin được tạo ra bên trong hệ sinh thái của MakerDAO. Khi anh em gửi tài sản thế chấp của mình vào bên trong hệ thống MakerDAO thì sẽ nhận lại DAI tương ứng.

Hiện tại, DAI là stablecoin lớn thứ 19 trong thị trường tiền điện tử với giá trị vốn hóa là 9,834,118,842 USD.

Kết luận

Trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh như hiện nay thì stablecoin là sự lựa chọn tuyệt vời cho những anh em nào đang muốn lựa chọn đầu tư "an toàn".

Trên đây là những thông tin cơ bản dành cho anh em mới tham gia và bước đầu tìm hiểu về stablecoin. Thông qua bài viết này, chắc hẳn anh em đã hiểu được stablecoin là gì, sự cần thiết của nó trong thị trường tiền điện tử cùng sự bình ổn giá sẽ của nó sẽ giúp anh em không phụ thuộc vào tiền pháp định, nhanh chóng quy đổi sang BTC hoặc altcoin và ngược lại.

 Hãy cùng theo dõi chúng mình qua Fanpage coinx3 để cập nhật thông tin mới về dự án trong tương lại nhé.

Tổng hợp từ Cbinsights và Coinbase