Có thể nói, nghiện trading là một vấn đề không còn mới mẻ và thường xuyên diễn ra trong quá trình giao dịch. Không thể phủ nhận, trading đem lại sự kích thích về mặt tâm lý nhưng một khi sử dụng “quá liều”, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không kém gì “hàng thật” cả. 

Sự cám dỗ từ trading

Người chơi có thể kiếm được bộn tiền nhờ việc trading mà không bị giới hạn về mặt thời gian cũng như địa điểm, không lo bị sếp quở trách nếu không hoàn thành xong công việc được giao. Đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 90% những tay giao dịch a ma tơ đều thất bại thảm hại trên thị trường. Bởi có một nghịch lý như sau: Càng thua càng gỡ, mà càng gỡ thì càng nghiện.

Behavioral Health Services with Kindbridge - 15 Signs You May Be Addicted  to Day Trading

Nhiều trader cháy tài khoản nhưng vẫn tiếp tục vay mượn để thỏa mãn "đam mê". Ảnh Kindbridge

Nhìn từ góc độ thua lỗ thì cơ chế của các sàn cũng có điểm tương tự như các sòng bạc, đó là tạo ra một hệ thống có mục tiêu cụ thể và liên tục khen thưởng mỗi khi con bạc đạt một kết quả nào đó. Cứ như thế họ càng muốn đạt được nhiều hơn. Món quà khen thưởng này sẽ xoa dịu cái tôi bất an của họ và tạo ra mục tiêu để họ hướng đến. Sau khi ăn được những lần chơi nhỏ, cấp độ khó sẽ tăng dần, cũng giống như việc trading vậy. Người chơi vào lệnh, giá đang đi đúng hướng để take profit, nhưng tới lúc nó gần chạm tới ngưỡng mong muốn thì bất ngờ bị bật ngược trở lại và đi ngang. Trader lại phải tiếp tục theo dõi, dán chặt mắt vào biểu đồ để tìm cách gỡ gạc.

Thua lỗ có khả năng gây nghiện cao hơn chiến thắng

Which New Cryptocurrency Is Best For Day Trading?

Để có cái nhìn rõ nét hơn, coinx3 đã có buổi nói chuyện với anh L - người từng là một trader toàn thời gian nhưng hiện tại đã bỏ để trở về phụ việc kinh doanh cho gia đình.

Anh có thể cho biết động lực nào khiến anh không làm chủ được bản thân mà liên tục lao vào trading không?

“Nhiều người cho rằng nghiện trade chủ yếu là vì tiền nhưng không hẳn đâu nhé. Tiền là một chuyện, nhưng chung quy lại đều là do nỗi sợ mà ra. Nỗi sợ thì cũng muôn hình vạn trạng: sợ thất bại, sợ mất tiền, sợ bỏ lỡ cơ hội, v.v. Nhưng nghịch lý chính là ở đó, càng sợ thì người ta lại càng bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường. Mấy ai đủ ‘gan’ để tắt màn hình máy tính sau khi thất bại ở một lệnh nào?”.

Theo anh, vì sao mà tỷ lệ trader thua lỗ trong thị trường này lại cao tới vậy?

“Cũng khá dễ hiểu. Không khó để một người bình thường dự đoán được xu hướng giá của một cặp giao dịch hay một sản phẩm phái sinh nào đó, nhưng dù có bao nhiêu kiến thức thì những dự đoán này cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Trong ngắn hạn, ít ai có thể bao quát được sự lên xuống của giá bởi chúng xảy ra ngẫu nhiên và phụ thuộc nhiều vào lực mua bán ở từng thời điểm cụ thể. Nhìn rộng ra, ai có thể tổng hợp và nắm bắt được những thông tin rộng lớn như thế này? Đó chính là các sàn giao dịch - nhà cái lớn nhất trong thị trường tiền điện tử. Dù bạn có khôn thế nào, có kiến thức hay phân tích kỹ thuật sâu rộng tới đâu thì cũng khó có thể thắng nổi sàn. Mỗi khi người chơi mở lệnh là sàn đã ăn được các loại phí rồi, đó là chưa kể những món mặn như đòn bẩy. Tóm lại, những trader quá tự tin, tự cho là mình giỏi, đoán được xu hướng giá thì càng ra lệnh nhiều. Mà càng ra lệnh mua bán nhiều thì họ càng thua ác vì lợi thế của sàn.”.

Vậy điều gì đã biến nỗi sợ trở thành cơn mê muội khó dứt?

“Oái oăm là ở điểm này. Sau mỗi cú cháy nhẹ là sàn lại nhả ra cho trader một lệnh thắng, để người chơi ảo tưởng rằng mình đã bắt đầu ‘đổi vận’ sau nhiều lần thua lỗ. Nhưng thực chất lại đang đẩy trader vào vòng lặp vô tận, không thể dứt ra được khỏi nó. Mỗi khi ngừng đặt lệnh là trader lại thấy bứt rứt, khó chịu và tò mò về đường giá ở thời điểm hiện tại”.

Anh có thể chia sẻ cách để tiết chế lại và cân bằng bản thân không?

“Cái này còn tùy thuộc vào suy nghĩ và giới hạn của từng người. Lời khuyên của mình cũng chỉ chung chung được thôi vì mình cũng trắng tay rồi mới bỏ được mà.  Mình chỉ muốn nói rằng kẻ thù lớn nhất chính là bản thân các bạn. Chỉ khi bạn làm chủ được cảm xúc chính mình thì mới có thể ‘cai nghiện’ được”.

Qua chia sẻ của anh L, có thể thấy ai cũng cho rằng thị trường là một “mỏ vàng” và cứ nhảy vào đào bằng được. Nhưng lâu dần chính họ cũng sẽ nhận ra mình chính là người đang bị bào mòn cả về tinh thần lẫn tài chính nhưng lại không thể tự mình dứt khỏi nó.

Có lẽ não bộ của con người có chiều hướng thích mạo hiểm lớn sau các đợt thua liên tục. Vì thế, khi ngồi trước màn hình xem chart giá, các tay chơi luôn có ảo mộng rằng sau một "dây đen" sẽ đến "vận đỏ", và ngày càng dốc túi mạnh hơn. Có điều, những cú mạo hiểm ấy thường khiến các tay chơi cháy túi nhiều hơn là thắng lợi, vì vốn của họ chỉ có hạn, còn các chủ sàn lại không thiếu gì ngoài tiền.

Xem thêm Video: