Sự sụp đổ của LUNA và UST khiến thị trường tiền điện tử điêu đứng, ở một mức độ chưa từng có. Làm thế nào mà hàng tỷ USD lưu trữ trong một giao thức được hỗ trợ rộng rãi như vậy lại có thể bốc hơi hoàn toàn trong vòng một tuần - đặc biệt là từ một “stablecoin”?

Giờ là thời điểm thích hợp để toàn bộ cộng đồng tiền điện tử nhìn nhận lại về stablecoin, câu chuyện đầu tư và các nhà phát triển. Dưới đây là 4 bài học có thể đúc kết từ vụ việc của Terra.

1. Tài sản ổn định đòi hỏi nguồn dự trữ ổn định

Stablecoin được thiết kế để mang đến sự phi tập trung, tốc độ của tiền điện tử và tính ổn định giá trị của tiền tệ fiat. Tuy nhiên, các stablecoin thành công nhất hiện nay không sử dụng mô hình hoàn toàn "phi tập trung".

Ví dụ, Tether hỗ trợ stablecoin USDT của nó bằng các tài sản dự trữ không phi tập trung, có tính thanh khoản cao và ổn định (thương phiếu, tín phiếu kho bạc, v.v.). Các khoản dự trữ này phải được kiểm toán thường xuyên bởi các công ty tư nhân để đảm bảo rằng USDT thực sự được hỗ trợ đầy đủ và có thể chuyển đổi.

TerraUSD, mặt khác, là một stablecoin thuật toán, được hỗ trợ bởi tiền điện tử LUNA - thay vì USD. Bất kỳ chủ sở hữu UST nào cũng có thể đổi stablecoin của họ lấy LUNA trị giá 1 USD bất kỳ lúc nào. Ngược lại, người dùng luôn có thể đốt LUNA của họ để đổi lại số UST bằng giá trị USD của LUNA đã đốt. Cơ chế này khuyến khích kinh doanh chênh lệch giá ổn định như USDT để giá thị trường của stablecoin luôn bình ổn ở mức 1 USD.

Tuy nhiên, khác với USDT, tài sản hỗ trợ UST gần như không ổn định và cũng không có tính thanh khoản cao như đồng USD. Nói cách khác, nếu nhiều người đổi UST lấy LUNA cùng một lúc, giá trị của LUNA có thể giảm đáng kể do nguồn cung tăng.

Thật không may, đây chính xác là những gì xảy ra trong tháng này. Khi cá voi UST bắt đầu một cuộc tấn công nhằm vào đồng stablecoin này, các nhà đầu tư khác ồ ạt đổi UST lấy LUNA, tạo ra nguồn cung quá mức. Kết quả là UST và LUNA rơi vào vòng xoáy tử thần, mất hết giá trị.

Hiện tượng này có lẽ đã được ngăn chặn nếu UST được hỗ trợ bởi một tài sản có thị trường sâu hơn và giá trị ít dao động hơn dưới áp lực.

2. Không đu trend

Một thứ có giá trị thị trường cao không có nghĩa nó là một khoản đầu tư đáng tin cậy. Đừng dựa vào "sự khôn ngoan" của đám đông mà hãy tự nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư.

Nhìn lại, Terra sụp đổ do một cơ chế ổn định giá có sai sót mà tất cả mọi người có thể kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng ngay từ đầu. Trên thực tế, các đồng tiền có mô hình ổn định tương tự đã được thử nghiêm và thất bại nhiều năm trước.

Những chi tiết như vậy, cũng như lợi tức 20% cao bất thường của giao thức Anchor, dường nhu không quan trọng lắm đối với hầu hết các nhà đầu tư bị mờ mắt bởi lòng tham.

Ngay cả những tỷ phú trong cộng đồng tiền điện tử cũng đâm đầu vào Terra mà không suy nghĩ kỹ, truyền cảm hứng cho nhiều người làm theo hơn. Tỷ phú Mike Novogratz, người đã xăm hình LUNA lên cánh tay vào tháng 1, giờ đây ngậm ngùi gọi tác phẩm là “một lời nhắc nhở rằng đầu tư mạo hiểm đòi hỏi sự khiêm tốn.”

Các sự kiện cho thấy ngay cả các nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng không đáng tin. Như các Bitcoiner từng nói: Đừng tin tưởng, hãy xác minh.

3. Tiền điện tử không hoàn toàn phi tập trung

Các nhà phát triển của Terra đã hứa hẹn tạo ra “tiền tệ phi tập trung” cho một “nền kinh tế phi tập trung”. Nhưng khi sự cố xảy ra, cộng đồng đã vạch trần cấu trúc quản trị mang tính tập trung cao và không rõ ràng của Terra.

Ngoài Do Kwon, Terraform Labs và Luna Foundation Guard (LFG), người dùng bình thường hầu như không có quyền quyết định để cứu vãn LUNA. Các bên nói trên đã đưa ra nhiều quyết định vội vàng và hoành tráng trong nỗ lực giải cứu, nhưng tất cả đều thất bại.

Ví dụ, vào ngày 9/5, Do Kwon và chỉ 6 thành viên khác của LFG đã bỏ phiếu để triển khai 1,5 tỷ USD từ nguồn vốn dự trữ của mình để bảo vệ giá trị của UST. Sau đó, LFG đã không update gì thêm với cộng đồng cho đến ngày 16/5, khi họ giải thích rằng hầu như tất cả các tài sản dự trữ - bao gồm 80.000 BTC - đã được bán.

Hơn nữa, vào ngày 12/5, Terraform Labs đã hợp tác với các validator để đóng băng mạng Terra mà không có cảnh báo trước với mục tiêu “ngăn chặn các cuộc tấn công quản trị”. Điều này được thực hiện mà không có sự đồng ý của cộng đồng, đặc biệt là Terra chỉ có 130 validator.

Ngay cả bản thân Do Kwon cũng đã tweet lại một bài đăng nói rằng LFG thực sự là một hệ thống tập trung, mà Kwon đã lên kế hoạch chuyển đổi từ thời điểm đó.

4. Hãy khiêm tốn, kể cả khi giàu có.

Vài ngày trước cuộc khủng hoảng Terra, Do Kwon đã nói với một streamer nổi tiếng trong ngành tiền điện tử rằng thật “giải trí” khi chứng kiến 95% startup trong ngành phải dừng hoạt động theo thời gian.

Điều này phần nào thể hiện thái độ tự tin thái quá và hạ thấp đối thủ cạnh tranh và nhà phê bình của Kwon. Điều này được làm rõ hơn khi Kwon công khai phản bác nhiều người đã cố gắng cảnh báo anh ta về các lỗ hổng của Terra.

“Bạn có thể đã nghe các influencer trên Twitter nói mãi về việc UST sẽ mất chốt, hoặc nhớ rằng tất cả họ bây giờ đều nghèo”, Kwon tweet vào ngày 7/5. Hôm sau, Kwon khẳng định chắc nịch rằng những người lo sợ UST mất chốt sẽ phải “đợi cho đến ngày cuối cùng của nhân loại”.

Do Kwon, đồng sáng lập Terraform Labs. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, hành vi tồi tệ nhất của Kwon là vào đỉnh điểm của thị trường tiền điện tử hồi tháng 11. Khi một người dùng Twitter vạch ra một quy trình mà anh dự đoán Terra sẽ sụp đổ do một cuộc tấn công ngắn, Kwon coi bài đăng là "điều ngớ ngẩn nhất" mà anh ta đã đọc và chủ nhân dòng tweet chỉ là một "tên ngốc".

Nếu sự sụp đổ của Terra thực sự là một sự kiện thiên nga đen, thủ lĩnh của Terra đã có thể cứu vãn được danh tiếng của mình. Nhưng sau khi liên tục chế giễu những người chỉ trích anh là người nghèo, công khai mời cá voi tấn công mạng và “đặt cược” vào sự sụp đổ của LUNA, không ngạc nhiên khi Kwon đánh mất thiện cảm từ cộng đồng.

Một số thậm chí không tin tưởng vào tính hợp pháp xung quanh cuộc bỏ phiếu về kế hoạch hard fork, bởi lẽ niềm tin rất mong manh, đặc biệt trong một ngành đầy rẫy những trò gian lận và sai sót. Xây dựng lòng tin là một quá trình khó khăn, nhưng để đánh mất nó thì rất dễ, có khi chỉ cần vài dòng trạng thái.

Kết luận: Học hỏi trước khi quá muộn

Thị trường tiền điện tử là nơi mở ra một cuộc cách mạng tiềm năng trong đổi mới tài chính. Song, nó cũng đi kèm với tình trạng thiếu quy định, thao túng thị trường, hack, trộm cắp, thiếu minh bạch và văn hóa FOMO.

Trên thực tế, những nhà đầu tư mà bạn cho là dày dạn kinh nghiệm có thể không biết nhiều hơn bạn là bao. Ngoài ra, đừng quá tin tưởng khi các nhà phát triển cam đoan rằng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát.

Hãy nắm bắt những gì có thể học được từ thất bại của Terra và xem liệu bạn có thể hiểu rõ hơn về các khoản đầu tư tiền điện của mình hay không. Bạn phải tự học hỏi, trau dồi và chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của bản thân.

Theo CryptoPotato

 

THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK