Kể từ năm 2016, Tether đã trở thành một trong những stablecoin hàng đầu dù đã từng có thời gian phải ‘san sẻ’ thị trường với các stablecoin khác như BitUSD và NuBits (USNBT). USDT là tài sản được phát hành trên blockchain Bitcoin thông qua giao thức Omni Layer.
Khi hai stablecoin còn lại mất đi bảo chứng bởi đồng đô, USDC đã tận dụng thời cơ để bứt phá trong năm 2018, trực tiếp trở thành đối thủ ‘một chín một mười’ với Tether.
USDT là stablecoin phổ biến nhất với tổng nguồn cung lên tới 78,5 tỷ, trong đó, gần 50% (38,7 tỷ token) được bổ sung vào mạng TRON. Một số ít USDT còn lại được trải đều trên BSC, Solana, Huobi ECO Chain, Avalanche, Polygon và 13 chuỗi khác.
Tổng nguồn cung hiện tại của USDC là 45,7 tỷ token trên 21 chuỗi và một loạt các giải pháp layer 2 khác.
Những lùm xùm xung quanh sự hậu thuẫn của Tether đã khiến hình ảnh của nó trước công chúng giảm sút trong nhiều năm qua. Giám đốc tài chính Giancarlo Devasini của Tether bị cáo buộc sử dụng các khoản dự trữ của công ty để đầu tư, đồng thời thiếu sự minh bạch trong quá trình phát hành USDT.
Dù đã đưa ra báo cáo chi tiết để giải trình những khúc mắc trên từ năm ngoái, nhưng Tether vẫn chưa thể hoàn toàn dập tắt được nghi ngờ của giới đầu tư. Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, Tether tiết lộ rằng họ đang nắm giữ 30,8 tỷ đô la thương phiếu (chưa xác định) và một số loại tài sản khác để bảo chứng cho USDT.
Trái ngược hoàn toàn, Circle lại minh bạch hơn trong vấn đề này. Vào tháng 8/2021, chủ tịch Coinbase Emilie Choi thông báo rằng nguồn tiền dự trữ hỗ trợ cho USDC sẽ được chuyển hoàn toàn sang tiền mặt và trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Vào 27/10/2021, kiểm toán viên độc lập, Grant Thornton, xác nhận đã chia nhỏ danh mục đầu tư cho khoản dự trữ 22 tỷ USD của USDC để thực hiện điều trên.
Ra mắt từ tháng 09/2018, USDC là một stablecoin được bảo chứng bởi đồng Đô la Mỹ theo tỷ lệ 1:1. Nó là sự kết hợp của Circle - công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thanh toán peer-to-peer và sàn giao dịch Coinbase. Circle nhận được sự hậu thuẫn lớn từ một loạt ‘gã khổng lồ’ trong ngành như Bitmain, China Everbright Bank, v,v.
Một trong những lý do giúp thúc đẩy động lực bứt phá gần đây của USDC là do nhu cầu sử dụng USDC trong thị trường DeFi ngày càng tăng. USDC được ưu tiên để giao dịch trên các sàn DEX và cho một số dự án như Avalanche nhằm mở rộng hệ sinh thái DeFi.
USDT, USDC và BUSD hiện đang là ba stablecoin tập trung hàng đầu, tuy nhiên, hiện các stablecoin phi tập trung cũng bắt đầu ‘rục rịch’, đe dọa sẽ soán ‘ngôi vương’ trong tương lai gần.
Theo: Cointelegraph
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK