Làn sóng cắt giảm nhân sự

Làn sóng sa thải ở các công ty tiền số - VnExpress Số hóa

Hơn 62 công ty khởi nghiệp tiền điện tử hiện trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, theo CB Insights. Năm 2021, ngành công nghiệp này đã nhận được hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khoảng 1.700 thương vụ, theo nghiên cứu từ The Block.

Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay. Thị trường chứng khoán sụt giảm, chiến sự ở Ukraine, lạm phát và lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến tiền điện tử. Tổng giá trị của thị trường tiền điện tử đã giảm khoảng 65% kể từ mùa thu năm 2021 và giới phân tích lo ngại đợt bán tháo sẽ tiếp tục. Giá cổ phiếu của các công ty tiền điện tử theo đà giảm mạnh, các trader bán lẻ đang rút lui và thiệt hại của các startup là không hề nhỏ.

Giữa tháng 5, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia gửi thông báo tới những người sáng lập các startup, với lời cảnh báo về đoạn đường bấp bênh đang đón chờ phía trước, trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng... Thông báo cũng nhấn mạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm khó có thể giải cứu, khiến các startup nguy cơ cao “rơi vào vòng xoáy tử thần”.

Theo thống kê của trang chuyên theo dõi các đợt cắt giảm nhân sự Layoffstracker, hơn 10.000 nhân viên ở các startup đã bị cho thôi việc kể từ đầu tháng 6. Tính từ đầu năm, con số lên đến 40.000 người.

Trong tháng 6, Coinbase đã sa thải 1.100 nhân viên. Từ cuối năm 2021 đến cuối tháng 3, Coinbase mất 2,2 triệu khách hàng, tương đương 19% tổng số khách hàng do thị trường tiền điện tử suy giảm. Doanh thu của công ty trong ba tháng đầu năm cũng giảm 27% so với một năm trước đó, xuống còn 1,2 tỷ USD.

Hai startup tiền điện tử khác, BlockFi và Crypto.com, từng cắt giảm hàng trăm việc làm. Sàn giao dịch tiền điện tử Gemini cũng sa thải khoảng 10% nhân viên vào đầu tháng 6. Tính chung, hơn 2.000 nhân viên của các startup tiền điện tử đã mất việc kể từ đầu tháng 6.

Cái giá của cuộc nhảy vọt

Khi mọi người bỏ lại các khoản đầu tư tiền điện tử, xu hướng này làm lộ ra “gót chân Archilles” của nhiều công ty lớn nhất trong ngành.  Lee Reiners, một cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhận định: “Làn sóng tiền điện tử đã lắng dần và chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp có nền tảng không bền vững”.

Các startup tiền điện tử một thời là con cưng của các nhà đầu tư mạo hiểm, nhận được hàng tỷ USD tài trợ. Coinbase bắt đầu bán cổ phiếu công khai vào tháng 4/2021 với giá 328 USD/cổ phiếu, như đánh dấu một bước phát triển mới của ngành.

Các công ty khác như BlockFi bắt đầu tuyển dụng mạnh mẽ với tham vọng niêm yết cổ phiếu. Có tới bốn startup tiền điện tử đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo đắt đỏ, chi hàng triệu USD để quảng bá chớp nhoáng vào khung giờ vàng của giải Super Bowl.

Coinbase cũng tập trung vào phát triển cấp tốc, mở rộng quy mô nhân viên từ 1.250 vào đầu năm 2021 lên khoảng 5.000 người vào năm 2022. “Rõ ràng là chúng tôi đã tuyển dụng quá mức”, Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase, thừa nhận.

Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase. Ảnh: CoinDesk

Terraform Labs là một ví dụ với sản phẩm là stablecoin thuật toán TerraUSD (UST) và token gốc LUNA. Hai đồng tiền này đã được thổi phồng bởi nhà sáng lập Do Kwon - người đã huy động được hơn 200 triệu USD từ các công ty đầu tư lớn như Lightspeed Venture Partners và Galaxy Digital, ngay cả khi các nhà phê bình cảnh báo rằng dự án không ổn định.

Khi giá của Luna giảm mạnh vào tháng 5, UST cũng lao dốc không phanh, tạo ra cơn địa chấn, gây mất ổn định trên toàn thị trường tiền điện tử và khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng.

Một số chuyên gia trong ngành từ lâu cho rằng sự tăng trưởng vượt bậc trong hai năm qua sẽ không kéo dài mãi mãi. Phó giáo sư David A. Kirsch, phụ trách giảng dạy chiến lược và kinh doanh tại Trường Kinh doanh Robert H. Smith thuộc Đại học Maryland, cho rằng các startup tiền tiền điện tử đúng là đã phát triển quá nhanh và giờ lãnh hậu quả.

"Có thể ví tiền điện tử là con chim hoàng yến trong mỏ than”, Kirsch nói. Tuy nhiên, nhiều công ty đã đánh giá quá cao về tiềm năng, dẫn đến rơi vào vòng xoáy tử thần.

Triển vọng nào cho các startup tiền điện tử?

So với những đợt suy thoái trước, lần này, các nhà đầu tư dự đoán sẽ có nhiều công ty trụ lại hơn. Mike Jones, một nhà đầu tư tại công ty liên doanh Science Inc., nhận xét: “Có một số dự án được thổi phồng quá mức và không có các nền tảng cơ bản vững chắc. Tuy nhiên, ta cũng chứng kiến một số công ty thực sự mạnh mẽ, đang chưa có vị thế xứng tầm”.

Gemini, sàn giao dịch tiền điện tử do tỷ phú Tyler và Cameron Winklevoss đứng đầu, cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ngành: “Cuộc cách mạng tiền điện tử đang diễn ra tốt đẹp và tác động của nó sẽ tiếp tục thấm nhuần một cách sâu sắc. Nhưng quỹ đạo của nó khó có thể dự đoán được".

Tyler, trái và Cameron Winklevoss phát biểu tại Lễ hội Bitcoin ở Miami vào tháng 6/2021. Ảnh NYT.

Chris Dixon, chuyên gia của quỹ Andreessen Horowitz, nói: "Khi giá Bitcoin tăng, mọi người hào hứng, dẫn đến nhiều startup, dự án đầu tư vào hệ sinh thái hơn. Nhưng khi giá Bitcoin giảm mạnh như nửa đầu năm nay, không ít startup biến mất”. Tuy nhiên, theo Dixon, kẻ mạnh sẽ sống sót sau những chu kỳ như vậy, tạo nên sự tăng trưởng bất ổn trong một bức tranh ổn định.

Trong khi đó, Kirsch có phần bi quan. Theo ông, mùa đông tiền điện tử trước đây có quy mô nhỏ vì chưa nhiều người tham gia. Còn ngày nay, những nhân vật nổi tiếng như Elon Musk, Matt Damon hay Tom Brady đã đưa nhiều người đến với hệ sinh thái, khiến các công ty gặp nhiều khó khăn phức tạp hơn. Đó không còn là một mùa đông đơn thuần mà là kỷ băng hà của tiền điện tử.

Tuy nhiên, toàn bộ lĩnh vực tiền điện tử không thể biến mất kể cả khi bong bóng vỡ. Thực tế, sau năm 2000, hầu hết các công ty thương mại điện tử sụp đổ, nhưng trong số đó vẫn có Amazon tiếp tục trở nên hùng mạnh. Trong tương lai, sự suy giảm của startup tiền điện tử có thể giúp thanh lọc thị trường, tạo cơ hội cho những dự án thực sự có ích và bền vững khác nổi lên.

Xem thêm video

Mai Dung - Coinx3

THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK