Trong phiên điều trần hôm 2/3 của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện về “Chính sách Tiền tệ và Tình hình Kinh tế”, đại diện California Juan Vargas đã hỏi ông Powell rằng liệu tiền điện tử có thể là “lối thoát” cho Nga, sau khi nước này bị loại khỏi mạng lưới thanh toán SWIFT. Đáp lại, Chủ tịch Fed nhấn mạnh Quốc hội cần có hành động thực sự đối với tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả tiền điện tử. Ông Powell nói thêm:
"Hiện chưa có khuôn khổ pháp lý cần thiết [...] Ta cần một khuôn khổ để ngăn tiền điện tử trở thành phương tiện tài trợ cho khủng bố và tiếp tay cho hành vi tội phạm nói chung , như trốn thuế.
Đại diện của Connecticut, Jim Himes, lặp lại quan điểm của Powell tại phiên điều trần, ca ngợi tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, ông nhận định: “Mỹ phải tăng tốc nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý. Trong đó chúng ta, thay vì tội phạm, khủng bố và đối tượng rửa tiền, được hưởng lợi từ tiền điện tử, bao gồm tiền điện tử của ngân hàng trung ương. Đã đến lúc tất cả phải hành động".
Một số thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện gồm Elizabeth Warren, Mark Warner, Sherrod Brown và Jack Reed đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 2/3, bày tỏ lo ngại rằng Nga và các nước khác có thể dùng tiền điện tử để “che giấu giao dịch xuyên biên giới cho các mục đích bất chính” như trốn tránh biện pháp trừng phạt. Các nhà lập pháp trích dẫn việc Triều Tiên sử dụng "tiền điện tử bị đánh cắp" để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân và Iran thúc đẩy khai thác Bitcoin trong khi chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bốn thượng nghị sĩ cho biết: “Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng tiền điện tử để lách các lệnh trừng phạt mới từ chính quyền Biden và các nước khác. Nga có thể sử dụng các thị trường web đen để chuyển tiền và thực hiện giao dịch. Việc sử dụng ví tiền điện tử và các dịch vụ mixing cho phép các đối tượng bị trừng phạt chuyển và che giấu tài sản của họ. Triển khai đồng rúp điện tử cho phép Nga giao dịch xuyên biến giới mà không cần chuyển đổi tiền tệ thành USD”.
Các nhà lập pháp đã yêu cầu thông tin về kế hoạch “thực thi việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của ngành công nghiệp tiền điện tử” của Bộ Tài chính. Trước đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), thuộc Bộ Tài chính, đã ban hành các quy định cấm công ty và cá nhân tại Mỹ tạo điều kiện cho giao dịch tiền điện tử gửi đến một số công dân và ngân hàng Nga.
Tuy nhiên, bốn Thượng nghị sĩ đang yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ thêm về các công cụ của OFAC, sự phối hợp với các chính phủ nước ngoài và những thách thức trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt liên quan đến tiền điện tử trước ngày 23/3.
Họ cho biết: “Đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt trong ngành công nghiệp tiền điện tử rất quan trọng, vì tiền điện tử có thể giúp vượt qua hệ thống tài chính truyền thống và được sử dụng như một công cụ để trốn biện pháp trừng phạt”.
Theo CoinTelegraph
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK