Cuối tháng 1, giá Bitcoin và Ethereum lao dốc, kéo theo sự đi xuống của hàng loạt meme coin như Dogecoin. Nhiều người bất lực chứng kiến hàng nghìn USD biến mất khỏi ví của mình trong chớp mắt.

Đây là cú sốc chớp nhoáng, thay vì là đà giảm tốc chậm chạp. Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD mỗi đồng hồi tháng 11/2021, nhưng mất 40% giá trị chỉ sau hai tháng. Thị trường tiền điện tử cũng mất hơn 1.000 tỷ USD kể từ khi Bitcoin đạt đỉnh, dù đã có dấu hiệu cho thấy nó đang hồi phục trong những tuần gần đây.

Đồng tiền mô phỏng cho Bitcoin. Ảnh: Reuters.
Đồng tiền mô phỏng cho Bitcoin. Ảnh: Reuters

Nhiều chuyên gia từng ca ngợi tiền điện tử là hình thức mở rộng tài sản cho những người dám mạo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có số ít người tham gia có thể thu lời. Không ít người dùng phổ thông, thiếu kinh nghiệm dồn hết tiền tiết kiệm vào "chơi coin".

Khảo sát của CNBC với 750 người chơi tiền điện tử cho thấy một phần ba trong số này gần như không biết gì về thứ họ đang đổ tiền vào. Các chuyên gia trị liệu tâm lý như Peter Klein từng cảnh báo thị trường tiền điện tử sụp đổ sẽ dẫn tới "các triệu chứng nghiện tiền số ngày càng nặng trên những người gặp tình trạng này".

Hashim Yasire, 19 tuổi, người thành lập một dự án NFT và tiền điện tử, cho biết đã mất lượng tiền lớn trong đợt sụt giá vừa rồi. Cậu thừa nhận điều đó đã tác động đến sức khỏe tâm thần của mình trong nhiều ngày.

"Trước đó, tôi nghĩ mình khá tự tin với kỹ năng mới, nhưng cảm giác giống như mọi thứ sẽ trở về con số không. Tham gia NFT và tiền số đồng nghĩa với những đêm không ngủ, cùng với đó là sự ám ảnh, căng thẳng và lo lắng không ngừng. Nó khiến tôi rất dễ nổi cáu", Yasire nói.

Nhiều người nói tiền điện tử đã phá hoại gần như toàn bộ cuộc sống của họ.

Sandip Das, 27 tuổi ở Ấn Độ, cho biết thu được lợi nhuận khi tiền điện tử mất giá, nhưng luôn trong tình trạng mệt mỏi suốt cả năm qua. "Tôi ngủ chưa đến 3-4 tiếng mỗi ngày, khiến tôi phạm nhiều sai lầm trên sàn giao dịch. Tôi cũng bắt đầu đau cổ vai gáy do mức độ căng thẳng cao. Tiền điện tử sẽ phá hủy bạn cả về thể chất và tinh thần, nó sẽ để lại những vấn đề kéo dài suốt đời", Das nói.

Một người đàn ông giấu tên 33 tuổi ở Nga thừa nhận nghiện tiền điện tử và bị cuốn vào vòng xoáy tìm cách bù lỗ, nhưng lại mất ngày càng nhiều tiền. Anh tham gia từ tháng 11/2017, khi Bitcoin tăng giá mạnh và có lời, nhưng giờ đây đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm với giá trị gần 150.000 USD.

"Nó rất tồi tệ về mặt tâm lý, tôi thậm chí không thể chia sẻ điều này với vợ. Tôi đang rất nghèo khó. Nó đã phá hoại cuộc sống và tâm lý của tôi. Có lúc tôi đã tìm cách tự tử", người này cho hay.

Bất chấp sự căng thẳng cao độ, nhiều người không thể tìm thấy nơi chia sẻ trải nghiệm của mình. Họ phải tỏ ra cứng cỏi và không dám rút khỏi thế giới tiền điện tử, bởi thể hiện sự lo lắng có thể tác động trực tiếp tới thị trường. Các đồng tiền sẽ tăng giá khi có nhiều người đầu tư và mất giá khi họ rút lui. Tiền điện tử có thể gây nhiều vấn đề tâm lý, nhưng không ai thừa nhận sự thật này bởi nỗi lo mất tiền.

"Bitcoin và thị trường tiền điện tử sẽ tiếp tục hỗn loạn trong tương lai gần, giữa lúc các quyết định quản lý cấp độ quốc gia và tình hình toàn cầu vẫn chưa rõ ràng. Bạn đổ hết tài sản vào tiền số và chứng kiến giá trị của chúng trồi sụt liên tục, điều này sẽ dẫn tới giai đoạn cực kỳ lo lắng, nhất là khi số tiền đó cần được tiêu ở chỗ khác", nhà tư vấn Adam Smith nói.

Các chuyên gia cho rằng giá trị tiền điện tử sẽ phục hồi, nhưng không thể xác định cuộc sống của những người chơi tiền số sẽ bị tổn hại thế nào trước khi điều đó xảy ra.

Điệp Anh (theo Vice)/Vnexpress

THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK