Ngày 5/4, Elizabeth Stark, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Lightning Labs, đã công bố Taro, một giao thức mã nguồn mở được cung cấp bởi Lightning Network và nỗ lực của nó nhằm đưa các tài sản như stablecoin vào mạng Bitcoin.

Stark cho biết Taro cải thiện chức năng của mạng Bitcoin nhờ Taproot, một bản nâng cấp được kích hoạt vào năm 2021. Với ba nâng cấp Schnorr signature, Tapscript và Merkelized Abstract Syntax Trees (MAST), Taproot tăng cường tính hiệu quả, quyền riêng tư và linh hoạt cho Bitcoin. Taro đại diện cho những gì có thể đạt được khi Taproot đi vào hoạt động.

Elizabeth Stark phát biểu tại hội nghị Bitcoin 2021 ở Miami, Florida. Ảnh: Bloomberg

Ryan Gentry, giám đốc Phát triển Kinh doanh của Lightning Labs cho biết: “Bằng cách sử dụng MAST, Taro nhúng dữ liệu của các tài sản mới để chúng có thể được xử lý như Bitcoin".

Bên cạnh đó, Lightning Labs đã huy động được 70 triệu USD trong vòng Series B, do Valor Equity Partners dẫn đầu, cùng sự tham gia của công ty quản lý tài sản toàn cầu Baillie Gifford. Stark cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để tăng cường tính linh hoạt cho Lightning Labs và phát triển công ty. Lightning Labs vẫn là một công ty nhỏ chỉ với 24 nhân viên.

Ngoài Valor Equity và Baillie Gifford, Goldcrest Capital, Kingsway, Moore Strategic Ventures, Brevan Howard, Robinhood CEO Vlad Tenev, NYDIG và Silvergate CEO Alan Lane cũng đã tham gia vòng gọi vốn.

Taro hoạt động ra sao?

Lightning Labs mô tả Taro là một mạng lớp phủ tài sản trên Bitcoin. Giao dịch trên Taro bao gồm dữ liệu Bitcoin cần được xác minh trên mạng Bitcoin.

Taro có các quy tắc bổ sung để quản lý dữ liệu đó, tương tự như việc Lightning Network là mạng lớp phủ sử dụng hợp đồng thông minh Bitcoin, nhưng có bộ quy tắc riêng để chuyển Bitcoin tức thời.

Mạng Bitcoin không cần phải quan tâm đến những quy tắc này. Bà Stark giải thích: “Bạn phát hành tài sản on-chain và sau đó chuyển sự phức tạp đến điểm cuối – chính là giao thức Taro”.

Quan trọng hơn cả, Lightning Labs đã thiết kế Taro dưới dạng Đề xuất cải tiến Bitcoin (BIP) để giao thức có thể được xây dựng dựa trên phản hồi từ cộng đồng nhà phát triển lớn hơn.

Theo CoinDesk

THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK