Người người nhà nhà chơi để kiếm tiền
Anh Alejo Lopez de Armentia, 39 tuổi, sống tại Florida, coi trò chơi điện tử như một cách để giao lưu với bạn bè ở quê nhà Argentina. 10 tháng trước, anh phát hiện ra Axie Infinity – một trò chơi giao dịch và chiến đấu đơn giản, cho phép người chơi thu thập, nuôi và buôn bán các con thú được gọi là Axie.
Người chơi được thưởng token cho những nỗ lực của họ, sau đó đổi token lấy tiền thật. Dù cách chơi không quá đặc biệt, Axie vẫn “phá đảo” các diễn đàn Reddit, Discord. Một lượng lớn người chơi đã dẫn đến doanh thu khổng lồ cho nhà phát triển game Sky Mavis, đưa Axie Infinity trở thành tựa game hàng đầu trong xu hướng play-to earn.
Ảnh: Medium
Nhiều người thậm chí đổ tiền vào phần mềm chuyên dụng để xây dựng đội quân Axie hùng mạnh. Anh Armentia cũng nằm trong số đó khi dành ra khoảng 40.000 USD cho Axie kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, mục đích chơi game không phải để giết thời gian như trước. Anh hy vọng nó có thể trở thành công việc toàn thời gian của mình.
Năm 2021, một số người chơi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình kiếm được nhiều tiền khi chơi Axie đến mức họ bỏ việc để dành nhiều thời gian hơn vào trò chơi. Tại Philippines, một số người cho biết họ kiếm được tới 2.000 USD một tháng.
Game blockchain nhận gáo nước lạnh
Vừa được chơi game, vừa kiếm được tiền thật - chính điều này đã làm nên nét hấp dẫn không tưởng của mô hình GameFi. Tuy nhiên, tại sao chỉ một phần nhỏ trong số 2,5 tỷ game thủ trên thế giới nắm lấy cơ hội này? Sau giai đoạn bùng nổ, trào lưu chơi để kiếm tiền thực sự có dấu hiệu đuối sức.
Thời hoàng kim của Axie cũng đến lúc thoái trào khi Axie Infinity trải qua vụ hack lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử, gây thiệt hại 620 triệu USD và những vấn đề trầm trọng cho tựa game “vang bóng một thời”.
Vào cuối tháng 3, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của game giảm xuống dưới 1,5 triệu từ mức cao nhất là 2,7 triệu vào cuối năm 2021. Việc có quá nhiều Smooth Love Potion (SLP), token trong trò chơi của Axie, được phát hành mà không có cách nào để đốt một cách triệt để. Kết quả là SLP bị lạm phát và giảm giá trị.
Khi đường cong tăng trưởng đảo ngược và ít người muốn đồng hành cùng Axies hơn, game sẽ mất dần giá trị và người chơi kiếm được càng ít tiền. Cứ như vậy, giá trị của Axies bắt đầu giảm đi.
Ảnh: Axie Infinity
Những yếu tố kìm hãm GameFi
Từ ví dụ nổi bật về Axie Infinity, nhiều người đặt câu hỏi đặt ra xung quanh tính bền vững của game blockchain. Theo báo cáo của Arcane Research trong hai quý đầu năm 2022, số người dùng hoạt động của các game blockchain trên Ethereum hàng đầu, bao gồm Axie Infinity, The Sandbox, Decentraland, v.v., đã giảm khoảng 96% so với mức đỉnh của tháng 11/2021.
Arcane chỉ ra một số nguyên nhân chính là sự trững lại của xu hướng metaverse và NFT, phần thưởng tài chính trong game giảm, không đủ để thỏa mãn người chơi. Các tựa game cần chú ý đến chi phí gia nhập, lạm phát token và các ưu đãi.
Anh Jared Galloway, 22 tuổi đến từ Seattle, đang kiếm sống từ một game đua ngựa có tên Zed Run. Galloway thậm chí kiếm được tổng cộng 20.000 USD từ trò chơi này. Hiện tại, anh chơi game toàn thời gian, đồng thời stream quá trình chơi với một cộng đồng nhỏ trên Youtube. Điều này biến Galloway trở thành một hình mẫu tương đối thành công trong xu thế play-to-earn.
Song, thế giới của Zed Run chẳng kỳ bí và đầy phiêu lưu như Elden Ring. Chơi được một thời gian, Galloway chẳng còn coi Zed Run như một trò chơi điện tử nữa, chỉ đơn giản là một sinh kế.
“Tôi nghĩ rằng kiếm tiền từ game là điều tốt. Đó là một thứ động lực mạnh mẽ, nhưng phải là tất cả”, Wui Ngiap Foo, giám đốc điều hành của metaverse Ethlas, nói với Forkast. “Trò chơi về cơ bản là phải giải trí và hấp dẫn. Nếu không, game chỉ đang thu hút những người đầu cơ và bản chất họ không phải là game thủ”.
Wui cho rằng mô hình kinh doanh cũng là một trở ngại trong việc thu hút game thủ vào hệ sinh thái Web 3.0. Từ Axie Infinity đến StepN, nhiều trò chơi Web 3.0 yêu cầu người chơi phải mua NFT trước khi họ có thể chơi và kiếm tiền - một cơ chế đã được đưa ra so sánh với các mô hình Ponzi.
“Vấn đề với thế hệ GameFi hiện tại là họ chưa rút kinh nghiệm từ bài học của game Web 2.0, đó là khiến người chơi phải tiêu tiền trước khi chơi. Nếu bạn muốn kiếm tiền, trước tiên bạn phải trả tiền. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ ‘trả tiền để chơi’ sang ‘chơi miễn phí’ là thứ thực sự đã đưa thị trường game vươn tới quy mô như ngày nay", anh Wui giải thích.
Thay đổi hướng đến giá trị bền vững
Sau thời kỳ bùng nổ, nhiều tựa game phải cố gắng giữ chân người chơi bằng cách cải thiện cốt truyện, lối chơi, đồ họa,... Họ băt đầu bước chuyển mình từ play-to-earn sang play-and-earn, lấy trò chơi làm trọng tâm thay vì động lực kinh tế. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của game blockchain và là hồi chuông cảnh báo đối với những game không chú trọng chất lượng game.
Đồ họa, lối chơi, cốt truyện, nhân vật,... là những yếu tố thúc đẩy người chơi đầu tư vào một dự án, nhưng các nhà cũng phải xem xét các khía cạnh mới mà công nghệ blockchain mang lại, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững để tạo ra các tài sản kỹ thuật số có giá trị.
Trong những tháng gần đây, hoạt động marketing của Axie Infinity đã bắt đầu chuyển hướng từ play-to-earn sang play-and-earn. Đó là một sự thay đổi cần thiết, cho thấy mong muốn của Sky Mavis để gây dựng lại Axie Infinity, tập trung hơn vào tính giải trí, trải nghiệm chơi game và xoa dịu người chơi.
Theo kế hoạch, Sky Mavis sẽ đóng phiên bản Axie Infinity Classic sau khi mùa 21 của trò chơi vốn đã kết thúc vào hôm 24/6. Sky Mavis sẽ tiếp tục phát triển phiên bản free-to-play, Axie Infinity Origin, nhằm phát huy hết tiềm năng của nó.
Theo Vox, Forkast, Bitcoinist
THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK