Như mình thì bánh trung thu chỉ để thắp hương thôi chứ hầu như chẳng đụng tới. Tại nó ngọt quá chừng mà mình thì không thích đồ ngọt. Vậy nên hầu như bánh nhà mình thắp hương xong toàn mang đi cho trẻ con hàng xóm thôi. 

Như mấy năm vừa rồi, dịch dã phức tạp nên việc đi lại, giao tiếp không dễ dàng. Thế nên nhà mình mua bánh về xong hai vợ chồng phải cố mà ăn, không ăn bỏ đi thì vừa tiếc vừa thấy phí quá. Mà ăn thì nó ngán tận cổ, lại còn sợ béo nữa chứ. Nhà mình vợ chồng trẻ mà có mỗi 2 cái bánh phải ăn 4 - 5 ngày mới hết. 

Nhà mình toàn kiểu một cái bánh cắt đôi ra, xong cất một nửa vào tủ lạnh, hôm sau lấy ra ăn tiếp. Mình tưởng thế là bình thường vì hiếm ai có thể ăn một phát hết cả cái bánh trung thu. Ví dụ nhà nào đông người còn đỡ chứ nhà neo người thì chắc cũng làm như nhà mình thôi. 

Tuy nhiên, khi nghe mình kể chuyện này, một cô bạn của mình tỏ ra khá bất ngờ. Bạn kêu là Trung thu một năm có 1 lần, bánh thì cũng có to lắm đâu mà phải tiết kiệm cất đi. Mình bảo không phải tiết kiệm mà là không ăn hết được thì bạn kêu: Chắc mày sợ béo chứ gì? Một năm có một lần, ăn có mỗi cái béo đâu ra được. Việc cắt rồi cất bánh như thế chẳng tốt cho sức khỏe đâu.

hình ảnh

Bánh trung thu có nhiều calo. Ảnh minh họa, nguồn: Zhihu

Thôi thì mỗi người mỗi ý mình chẳng tranh cãi làm gì. Nhưng liệu có phải cất bánh trung thu đi như mình là ảnh hưởng đến sức khỏe không các mẹ?

Mình có tìm hiểu thì thấy báo chí cũng đưa tin đây rồi. Thông tin cụ thể mình để bên dưới nhé.

Chuyên gia nói gì về vấn đề ăn bánh trung thu không hết, cất tủ lạnh mai ăn tiếp

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương), dưới góc độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm thì việc cắt bánh ra ăn một phần rồi cất đi hôm sau ăn tiếp là không nên. Tốt nhất, bánh trung thu khi đã được bóc ra thì nên chia nhau ăn hết. Việc này cũng tương tự như khi nấu thực phẩm, bạn chỉ nên nấu đủ ăn và ăn hết chứ không nên để đến hôm sau. Điều đó vừa tránh lãng phí mà lại không phải ăn đồ thừa.

Thế nhưng, đó là trên lý thuyết chứ thực tế thì khó nói. Chẳng hạn như gia đình ít người nhất là lại có mỗi ông bà già, vợ chồng cao tuổi thì việc ăn hết 1 chiếc bánh 250g là nhiều và quá tải cho hệ tiêu hóa. Đó là còn chưa kể tới nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp...  Trước khi ăn cơm, họ có thể ăn hết được chiếc bánh nhưng nó lại ảnh hưởng tới bữa ăn. Lý do là vì bánh trung thu thường ngọt và chứa nhiều calo tùy vào từng loại nhân.

hình ảnh

Cất bánh trung thu ăn dở vào tủ lạnh. Ảnh minh họa, nguồn: Zhihu

Do đó, BS. Hưng khuyến cáo: Việc ăn không hết mang bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, hôm sau ăn tiếp vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quá trình bảo quản cần phải tuân thủ một số lưu ý: 

+ Phải dùng dao cắt bánh sạch, tốt nhất là nên sử dụng dao mà nhà sản xuất bỏ sẵn trong hộp bánh trung thu. Nếu không có thì bạn cần lựa chọn chiếc dao sạch sẽ để cắt. 

+ Phần còn lại của bánh trung thu nên được bọc kín hoặc cho vào hộp có nắp đậy rồi mới cho vào tủ lạnh. Điều này nhằm hạn chế sự lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.

+ Không để chung với đồ sống vì vi khuẩn sẽ dễ dàng lây lan và gây ngộ độc. 

+ Không bảo quản trong tủ lạnh quá 24 giờ và bạn chỉ nên bảo quản bánh nướng vì nó được làm chín ở môi trường nhiệt độ cao. Còn bánh dẻo thì nhanh hỏng nên không nên bảo quản hay để qua đêm. 

THEO DÕI CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK